Với hơn 4 triệu người đã nghỉ việc chỉ trong quý đầu của năm 2022 và 44% người lao động đang lên kế hoạch tìm kiếm một công việc mới, hoàn toàn có khả năng một ai đó trong nhóm của bạn có thể sẽ rời đi trong thời gian tới. Bạn có bất ngờ khi một trong những người đóng góp quan trọng trong nhóm – một người mà bạn rất thích làm việc cùng – và cũng là một người rất tiềm năng trong tổ chức. Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi vào một ngày đẹp trời những nhân viên giỏi này thông báo nghỉ việc?
Có một số điều bạn không nên làm, chẳng hạn như coi nhẹ cơ hội mới của họ, đưa ra những lời khuyên lệch lạc,..chỉ để cho họ thấy họ đã sai lầm khi chọn rời đi. Đây là những yếu tố quan trọng để đảm bảo bạn nên phản hồi nhân viên của mình một cách chuyên nghiệp và mang tính xây dựng.
Trì hoãn một chút
Trước tiên, bạn sẽ cần thời gian để “tiêu hóa tin tức này”. Cũng rất bình thường nếu bạn thể hiện sự bất ngờ hoặc nói gì đó đại loại như: Chà, tôi đã không mong đợi điều này. Ngược lại, nếu bạn phản ứng một cách bốc đồng hoặc nổi giận, đưa ra những lời nói khiếm nhã có thể sẽ khiến bạn hối tiếc, bởi vì chúng để lại ấn tượng xấu cho cá nhân bạn và tổ chức
Quản lý mọi phản ứng trong thời điểm này
Trong suốt thời gian tạm dừng, hãy giữ bình tĩnh và cố gắng phân biệt chính xác cảm xúc của bạn là gì. Việc gọi tên cảm xúc là bước đầu trong cuộc thương lượng với người muốn rời đi. Hãy cố gắng càng cụ thể càng tốt. Ngoài bất ngờ, bạn có thể cảm thấy chán nản, thất vọng, tổn thương, bị phản bội, giận dữ, bối rối, hoặc chỉ đơn giản là buồn bã. Có rất nhiều sắc thái tinh tế trong cảm xúc tiêu cực. Việc phân tích cụ thể cảm xúc đang có sẽ giúp bạn tạo ra sự tự nhận thức về bản thân cao hơn và cho phép bạn xử lý chúng hiệu quả hơn.
Khi chúng ta không nhận thức được cảm xúc tiêu cực lúc này là gì, chúng có thể bất ngờ xuất hiện, gây ra những lời nói hoặc hành vi phản cảm mà bạn có thể sẽ hối tiếc về sau. Chẳng hạn như đả kích, đưa ra những lời châm chọc hoặc đánh giá hời hợt. Không nên chia sẻ rằng bạn cảm thấy bị phản bội hoặc tức giận, ngay cả khi trong trường hợp này đúng là như vậy. Nếu bạn buồn hoặc thất vọng, bạn có thể nói: “tôi rất buồn khi bạn rời đi, nhưng đó có vẻ như là một cơ hội tuyệt vời. Chúng tôi hy vọng bạn hài lòng với quyết định này”.
Đừng cá nhân hóa tin tức
Khi bạn cảm thấy tổn thương hoặc bị phản bội khi nhân viên giỏi xin nghỉ việc, đó là bởi vì bạn đã nắm bắt tin tức một cách cá nhân, thậm chí cả khi bạn đón nhận chúng với tư cách là một người quản lý (hãy đối mặt với điều đó, tất cả chúng ta đều có thể tìm ra cách tốt hơn). Sự rời đi của một ai đó không phải là lời tuyên bố về giá trị bản thân bạn hoặc bạn là một người sếp tệ hay tốt ra sao. Vì vậy, đặt cái tôi sang một bên và vượt lên bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ hoặc khắc nghiệt nào bạn có thể có.
Bởi vì là những nhân viên giỏi, cá nhân họ ra đi có thể là vì họ nhận được cơ hội tốt hơn, những đãi ngộ đặc biệt hơn, lý do cá nhân hoặc tất cả những thứ trên. Đó là con đường sự nghiệp của họ, vì vậy hãy kì vọng họ đang tạo ra những bước tiến tốt hơn cho chính họ, sự nghiệp của họ cũng như gia đình họ, như cách mà người khác có thể sẽ kì vọng bạn làm với bản thân mình. Họ đang thể hiện sự trung thành với bản thân họ chứ không có nghĩa là bất trung với bạn.
Hãy tò mò và thể hiện một tư duy tiến bộ
Thể hiện sự tò mò một cách thích thú để biết được tại sao họ rời bỏ công ty và họ dự định làm gì tiếp theo. Những gì bạn học được có thể sẽ mang lại lợi ích cho bạn, cho tổ chức và những nhân viên khác trong tương lai.
“Chúng tôi có thể làm gì để giữ bạn ở lại?” có lẽ là câu hỏi thường được hỏi nhiều nhất trong tình huống này. Tại thời điểm đó câu trả lời có thể là không vì nhân viên nghỉ việc đã chấp nhận một vị trí khác. Những người bạn của tôi đã từng tiết lộ cho sếp của cô ấy biết, khi đưa ra thông báo nghỉ việc, rằng cô đã được đối thủ đề nghị ở một vị trí và mức lương cao hơn. Đó chính xác là những gì mà công ty cũ của cô ấy đang cố trì hoãn cô một thời gian dài. Và thật bất ngờ, chỉ trong vài ngày, công ty của cô ấy đã phản hồi lại với một đề nghị công việc tốt hơn ngoài mong đợi để thuyết phục cô ấy ở lại.
Mặc dù đây có thể là những trường hợp ngoại lệ, nhưng điều quan trọng vẫn là đặt câu hỏi trên. Hoặc các nhà quản lý cũng có thể hỏi “Chúng tôi có thể làm gì khác để giữ chân bạn?”, “Điều gì hấp dẫn bạn hoặc khiến bạn hứng thú nhất về công việc mới này?”. Những phản hồi của họ có thể liên quan đến cân bằng công việc cuộc sống tốt hơn, khả năng làm việc từ xa, văn hóa hòa nhập hơn, thử thách mới và thú vị với nhiều trách nhiệm hơn hoặc được trao quyền nhiều hơn để đưa ra quyết định. Đây là tất cả thông tin phản hồi hữu ích cho bạn và tổ chức để những vấn đề này có thể được giải quyết cho những nhân viên còn lại và tương lai.
Thể hiện sự ủng hộ của bạn
Duy trì mối quan hệ tích cực với những nhân viên đã rời công ty là điều quan trọng, vượt xa thời gian bạn thực sự làm việc cùng nhau. Vì vậy, hãy thể hiện sự ủng hộ của bạn đối với quyết định của họ và giúp họ để lại ấn tượng tốt. Suy cho cùng, bạn có thể sẽ cần họ trở thành những người tham chiếu tích cực vào một ngày nào đó.
Hơn nữa, với tư cách là một nhân viên cũ, họ vẫn là đại sứ thương hiệu cho công ty và có thể là khách hàng tương lai hoặc nguồn giới thiệu cho doanh nghiệp và các nhân viên khác. Bằng cách thể hiện sự ủng hộ và nhiệt tình đối với cơ hội mới của họ, dù bạn có thất vọng đến mấy, có khả năng bạn sẽ mở rộng cửa chào đón họ quay trở lại công ty trong tương lai. Vì vậy, hãy tán dương những đóng góp và nỗ lực tiếp theo của họ, đồng thời hỏi họ bạn có thể giúp gì khi họ bắt đầu vai trò mới.
Yêu cầu những gì bạn cần
Khi một cá nhân đưa ra thông báo, họ có thể đã nghĩ đến ngày kết thúc mong muốn. Sau cùng, họ sẽ muốn nghỉ ngơi trước khi bắt tay vào công việc mới. Hãy cố gắng sắp xếp những gì họ cần và những gì bạn cần từ họ trước khi họ nghỉ việc để đảm bảo quá trình bàn giao diễn ra suôn sẻ. Nó có thể liên quan đến việc hoàn thành một dự án hoặc tập hợp nhiệm vụ cụ thể, đào tạo người khác đảm nhận những trách nhiệm này để giảm thiểu sự gián đoạn hoặc thậm chí là tuyển người thay thế họ.
Khi nhân viên giỏi của bạn xin nghỉ việc, điều đó không phải là ngày tận thế hay sự kết thúc của mối quan hệ đồng nghiệp. Bởi vì trong tương lai, họ có thể trở lại hoặc mang đến cho bạn những cơ hội tuyệt vời ngoài mong đợi. Hãy sử dụng những chiến lược trên một cách hiệu quả để luôn giữ ấn tượng bạn là một thương hiệu nhà tuyển dụng tích cực.
Theo: Havard Business Review
Có thể bạn quan tâm: Học cách nghỉ việc văn minh, tử tế để mai sau bạn còn có thể quay lại công ty cũ