Trong công việc, có một kiểu người rất hay than vãn về tất cả vấn đề của họ. Bắt đầu từ môi trường nhàm chán, công việc áp lực, đồng nghiệp không thân thiện, thậm chí còn chia phe cánh chính trị,…cho đến những người quản lý không đủ năng lực.
Đôi khi họ cường điệu hóa vấn đề của mình như thể mỗi ngày trôi qua tại công ty là một “màn tra tấn” kéo dài dăng dẳng. Và việc ra đi được xem như giải thoát khỏi cơn giày vò khủng khiếp. Sau đó, chính họ lại tìm đến các diễn đàn tâm sự của giới văn phòng hoặc những website review để kể xấu về công ty. Tất nhiên vẫn có những lời khen, nhưng không nhiều để các ứng viên tiềm năng có can đảm nộp CV, nếu vô tình đọc phải những review chê bai kia.

Review Company hay nơi để kể xấu công ty?
Có vô vàn các review tiêu cực chĩa vào mọi khía cạnh của công ty. Hầu hết đều xuất phát từ những người mới đi làm, chưa gắn bó lâu dài với một công ty nào. Vì thế họ thường chỉ nhìn vào những vấn đề trước mắt không vừa ý và lên tiếng chê là chính.
Thực tế, vấn đề phát sinh trong công ty có rất nhiều. Chúng tiêu tốn kha khá năng lượng và trí óc của bạn mà tôi tin rằng nếu trích một phần mười năng lượng cho việc buôn chuyện nói xấu đó để giải quyết vấn đề, công việc của bạn sẽ suôn sẻ hơn.
Vì thế, những người khi đã trải qua thời gian làm việc dài hạn đều nhận ra công ty nào cũng có những đụng chạm lặt vặt trong cuộc sống. Điều quan trọng là họ biết bỏ qua và học được cách chú tâm vào mục tiêu phát triển của công ty và của bản thân.
Nói một cách công bằng, đã đi làm dù trong hoàn cảnh nào, dù làm việc trong cửa hàng hay ngoài trời đều có những vấn đề khiến chúng ta mệt mỏi. Bạn được trả tiền lương hàng tháng để phải chịu đựng thử thách và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bởi nếu công việc an nhàn thì liệu sếp có cần tuyển nhân lực?

Chấp nhận sự thật rằng không có nơi nào hoàn hảo
Review tiêu cực không phải là điều xấu. Nó thậm chí còn cho ứng viên đến sau thấy rõ những gì được và mất khi gia nhập công ty. Tuy nhiên, điều chưa đúng ở đây là việc người review chỉ chăm chăm vào những lời chê bai đó để đưa ra đánh giá bao quát cho cả công ty.
“Công ty thì bé, phúc lợi hầu như không có gì”, “đồng nghiệp tụm năm tụm bảy cà khịa nhiều hơn làm việc”, hoặc “làm mãi không thấy định hướng phát triển bản thân ở phương trời nào”…Mỗi một lời chê bai đó, chúng không thể đại diện nói lên rằng công ty này chẳng có gì tốt đẹp, không đáng làm việc!
1. Con người luôn có một ưu điểm: thích nghi với hoàn cảnh
Một người bạn của tôi tốt nghiệp với năng lực bình thường. Sau đó, anh ta xin vào làm ở một xí nghiệp may mặc. Về sau mỗi lần gặp mặt, người này đều kể xấu công ty rằng công việc áp lực nhiều lại phải thường xuyên tăng ca để kịp chỉ tiêu. Điều lạ là khi đặt vấn đề tại sao không nhảy việc. Anh bạn này cho rằng gắn bó vì mức lương cũng khá tốt và lại gần nhà. Mặc dù anh giữ thói quen luôn miệng chê bai công ty hết điều này tới điều khác.
Một người bạn khác tốt nghiệp loại giỏi ở trường đại học danh tiếng. Sau khi ra trường, cô này xin vào làm việc ở một tập đoàn nước ngoài thuộc dạng có tiếng tăm khiến cô cũng lấy làm tự hào. Nhưng niềm vui lớn chẳng tày gang. Khi gia nhập được 3 tháng, cô nhận ra ở đây đồng nghiệp không thực sự quá thân thiện. Người mới thì thường bị sai việc vặt. Cô cũng thường xuyên phải tăng ca để làm kịp công việc nhưng hầu như không được tính tiền lương Overtime. Không trụ lại lâu, cô rời công ty và tìm cho mình một môi trường mới với những người đồng nghiệp vui vẻ, chan hòa hơn. Cuối cùng lại chua chát nhận ra bản thân không thể học hỏi hay phát triển kỹ năng gì ở công ty mới này. Trong 1 năm, cô bạn này đã nhảy việc qua 3 công ty.
Tất nhiên chúng ta đều có những kỳ vọng nhất định về công ty mình muốn làm việc. Không ai chê cười bạn muốn làm một công việc nhàn hạ, lương cao, đồng nghiệp giỏi, sếp tâm lý. Tuy nhiên, rất khó để có thể đáp ứng cùng một lúc tất cả những tiêu chí trên. Bởi vì doanh nghiệp cũng giống như xã hội thu nhỏ. Trong đó mỗi cá nhân mang một màu sắc, tính cách và lối cư xử riêng. Bạn không thể ép buộc mọi người phải đi theo một khuôn khổ giống hệt nhau mà quên mất bản năng tuyệt vời mà tạo hóa mang đến cho chúng ta: Thích nghi với hoàn cảnh.
Nếu nơi làm việc của bạn không đẹp đẽ như những công ty đa quốc gia. Hãy cải tạo chúng một chút với chậu cây, những bức tranh sinh động. Nếu đồng nghiệp của bạn có vẻ khó gần. Hãy chủ động bắt chuyện và cố gắng tương tác trong công việc với họ nhiều hơn,…Hãy nhớ mỗi thứ sẽ bắt đầu thay đổi khi bạn thay đổi, không còn giữ trong mình những cảm xúc tiêu cực nữa.

2. Mải kể xấu công ty, bạn có đang bỏ quên những điểm sáng?
Thực tế, có nhiều trường hợp than vãn công ty cũ nhưng khi tìm được môi trường làm việc mới, họ lại thấy hối hận khi nhảy việc. Review tiêu cực cũng đã viết ra rồi, việc quay đầu lại là điều không thể. Họ chỉ còn cách tiếp tục nhảy việc cho đến khi tìm được “nơi dừng chân” phù hợp.
Phải nói rằng tìm việc không phải là một quá trình trải đầy hoa, cứ có bằng giỏi là sẽ có công ty tốt rộng cửa đón bạn. Vì vậy, trước khi gây ra thêm nhiều quyết định nuối tiếc nữa, tôi hy vọng bạn hãy thử nhìn vào những mặt tốt của công ty mình, đặt lên bàn cân so sánh giữa được và mất trước khi nghỉ việc.
- Đồng nghiệp tuy không thân thiện lắm nhưng vẫn có những người nhiệt tình giúp đỡ bạn trong công việc? Một số người dù luôn miệng phàn nàn khi bạn nhờ vả nhưng cuối cùng họ vẫn hoàn thành việc rất tươm tất?
- Sếp bạn dù có khó tính, không tâm lý với nhân viên nhưng lại là người có thực lực. Dù bị sếp “xoay vần” với đủ thứ yêu cầu thì bạn cũng vẫn bỏ túi cho mình được kha khá kĩ năng từ sếp?
- Công việc luôn quá tải, tăng ca thường xuyên nhưng bù lại phần thưởng cuối năm cũng xứng đáng? Bạn có thấy mình lên trình hơn hẳn, giải quyết công việc nhanh lẹ hơn?
- Bạn than phiền phải kiêm nhiệm nhiều công việc không đúng chuyên môn nhưng có phải phát hiện ra giờ đây mình rất đa năng?
Công ty nào rồi cũng có vấn đề của nó dù lớn hay nhỏ. Bạn đừng vội chê bai vì những bề nổi trước mắt mà đánh mất đi cơ hội to lớn đằng sau. Dù rằng tôi không phản đối bạn review tiêu cực, nhưng hãy đưa ra những góc nhìn sáng suốt. Nên nhớ, bạn review để trở thành người tư vấn cho ứng viên đến sau. Đừng biến những chia sẻ của mình thành lời hù dọa, lại còn gây ảnh hưởng không đáng có đến thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp.
3. Bông hoa nở trong nghịch cảnh là bông hoa đẹp nhất, người biết biến khó khăn thành cơ hội là người tỏa sáng nhất

Không ai có thể phát triển với một thái độ luôn tiêu cực với mọi thứ xung quanh. Ngược lại, những người thành công là những người không đầu hàng trước thử thách. Bạn cần học cách biến những tiêu cực thành cơ hội để thể hiện năng lực. Mỗi sự việc đều có chìa khóa tháo gỡ, như câu nói “nếu cơ hội không gõ cửa, tức là nhà bạn chưa có cửa. Hãy lắp một cái”.
- Nếu công việc áp lực hoặc quá tải, hãy tự mình trang bị kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian. Đồng thời, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn để giải quyết chúng nhanh hơn.
- Nếu đồng nghiệp không thân thiện, hãy tạo cơ hội nói chuyện và gắn kết team bằng cách rủ rê mọi người đi ăn trưa cùng nhau. Hoặc thay phiên tổ chức các bữa tiệc sinh nhật hàng tháng cho đồng nghiệp.
- Nếu chính sách đãi ngộ chưa phù hợp, bạn có thể họp mọi người, cùng khảo luận ý kiến và đề xuất với cấp trên.
- Nếu quy trình chưa rõ ràng, hãy chia sẻ với người quản lý, đề xuất giải pháp khả thi hoặc xây dựng quy trình cho team,…
Bạn không từ bỏ cố gắng, cơ hội không bỏ qua bạn. Chỉ cần trong công việc và cuộc sống bạn luôn giữ thái độ đón nhận, tích cực thay đổi để thích nghi. Cuối cùng, đừng biến những chia sẻ tiêu cực, kể xấu về công ty khiến bạn mãi không thể phát triển ở những môi trường lớn.