Khi những người thuộc thế hệ 8x, thậm chí 9x trở về trước bắt đầu đi làm, sự phát triển nghề nghiệp là tuyến tính. Nhân viên được kỳ vọng sẽ leo lên những nấc thang sự nghiệp, bắt đầu từ vị nhân viên thấp nhất và tùy và khả năng và đóng góp, sẽ leo lên những cấp quản lý cao hơn.
Ngày nay, cấu trúc đó đã thay đổi. Một đại diện bán hàng có thể trở thành nhà tiếp thị giỏi, một nhà tiếp thị có thể trở thành người quản lý nhân sự và các nhà quản lý nhân sự có thể tìm thấy niềm đam mê của họ trong nhóm thành công với khách hàng. Chính vì vậy phát triển sự nghiệp ngày nay không còn là những nấc thang nữa, chúng là mạng lưới các cơ hội theo chiều dọc và chiều ngang, được định hình bởi khát vọng cá nhân và nghề nghiệp, bên cạnh nhu cầu của công ty. Đại dịch chỉ đẩy nhanh xu hướng này, thúc đẩy chúng ta xem xét các con đường mới và tiếp nhận các kỹ năng mới.
Sự phát triển của nhân viên là động lực lớn nhất cho sự phát triển và đổi mới của tổ chức. Các công ty sẽ trả một cái giá khá đắt cho chi phí tuyển dụng và và đào tạo nhân viên nhưng lại để họ dứt áo ra đi. Trong một khảo sát gần đây của website việc làm Monster với 649 nhân viên được hỏi, có tới 95% cho biết họ muốn tìm một công việc mới. Một trong những lý do khiến nhân viên chuyển đi là thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp. Một phần ba (34%) nhân viên cho biết công ty không sử dụng hết tiềm năng của họ và LinkedIn nhận thấy rằng nhân viên gắn bó hơn gần gấp 3 lần khi họ nhìn thấy cơ hội học hỏi trong công việc.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp có thể tránh bị chảy máy chất xám, mất đi những tài năng tốt nhất của họ đồng thời có thể hỗ trợ nhân viên phát triển sự nghiệp ? Dưới đây là những gì chúng ta có thể xem xét.
Đổi mới công nghệ và quy trình để tạo cơ hội cho nhân viên
Trong suốt nhiều năm qua, các tập đoàn đã hoạt động theo các cấu trúc có thứ bậc, từ đó tạo ra các rào cản khó vượt qua. Và kết quả là, sự phát triển và cơ hội nghề nghiệp thường chỉ đến với những người được lựa chọn cho họ bởi một người nào đó ở cấp cao hơn.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, và sự toàn cầu hóa dẫn đến một lực lượng lao động phân tán hơn, khiến cho các tổ chức có thể bỏ lỡ trong việc phát triển các tài năng quan trọng nếu chỉ căn cứ vào việc nhân viên đó ngồi ở đâu và tương tác với ai hàng ngày. Để tránh được điều này các công ty có thể chọn đầu tư vào công nghệ và quy trình giúp tất cả nhân viên có thể nhìn thấy các cơ hội trong công ty để theo đuổi chúng. Công nghệ có thể giúp sân chơi bình đẳng cho tất cả mọi người.
Điều nguy hiểm của các công ty là có thể mất đi những người giỏi nhất của mình mà không hề nhận ra tiềm năng đầy đủ của họ nếu họ ngồi ở đâu đó quá xa xôi. Nếu bạn có một nhân viên làm việc tại một văn phòng nhỏ, xa trụ sở chính và họ không nhìn thấy cơ hội phát triển, họ có thể sẽ rời đi. Vấn đề quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là giữ cho nhân viên luôn gắn bó, bất kể họ ở đâu.
Thay đổi cách đào tạo và phát triển nhân viên
Theo môt khảo sát của PWC, 80% CEO đánh giá việc đào tạo cho nhân viên những kỹ năng mới là thách thức lớn nhất của họ. Một nghiên cứu của Linkedin cũng cho thấy rằng cơ hội học hỏi và phát triển sự nghiệp là một trong những động lực hàng đầu đằng sau sự hạnh phúc và gắn bó của nhân viên trong công việc. Tuy nhiên, thường thì cách các công ty thực sự tiếp cận việc đào tạo và phát triển cho nhân viên là không nhất quán, sử dụng một quy trình, áp dụng như nhau từ trên xuống dưới mà không có sự uyển chuyển cần thiết.
Do việc phát triển sự nghiệp đang trở nên ít tuyến tính hơn, cách nhân viên học hỏi và phát triển các kỹ năng mới cũng thay đổi. Ngày nay, sự phát triển nghề nghiệp rất phức tạp, diễn ra trên nhiều phương tiện bên trong và bên ngoài nơi làm việc. Nó được thúc đẩy nhiều bởi niềm đam mê và sở thích của nhân viên cũng như các yêu cầu trong công việc. Các công ty cần đáp ứng cho nhân viên của mình những cơ hội phát triển năng động, dân chủ hóa và dựa trên dữ liệu. Nếu không, các công ty sẽ đặt mình vào tình thế phải mất đi những tài năng tốt nhất của mình.
Trong một thế giới có nhiều thay đổi khó lường (chẳng hạn đại dịch Covid), các công ty cần phải chấp nhận rủi ro một cách cẩn trọng và thay đổi khẩn trương. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ khác về quản lý nhân tài. Các công ty cần tạo điều kiện cho nhân viên làm chủ sự nghiệp của mình, áp dụng các kỹ năng của họ vào các lĩnh vực khác nhau của doanh nghiệp và phát triển các kỹ năng mới phù hợp với đam mê của họ. Đó thực sự là việc kết nối họ với khả năng của họ. Đó là một chiến thắng cho tất cả mọi người, cả nhân viên và công ty.
Ngày nay các công ty ngày càng nhận ra trách nhiệm của mình trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân viên. Các công ty hiểu rằng đáp ứng nhu cầu phát triển của nhân viên cần nhiều hơn là cung cấp thêm một số ngày đào tạo. Chẳng han tại Mastercard, công ty đã giới thiệu một loạt các cơ hội do AI định hướng giúp nhân viên phát triển và học hỏi theo các điều kiện của họ một cách đơn giản hơn, nhanh hơn và dễ dàng hơn.
Và cuối cùng
Con đường phát triển sự nghiệp của người lao động không còn là một đường thẳng. Trên thực tế, con đường sự nghiệp của nhân viên cũng quanh co, độc đáo và có thể thay đổi như cuộc sống của họ vậy. Các công ty cần nhận ra điều đó và thích ứng với nó để tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho nhân viên, có được vị trí tốt nhất, vượt qua đại dịch này và sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo.
Nguồn tham khảo cho bài viết: Careers are no longer ladders to climb. Here’s how to develop professionally instead