Bạn đã nhận được một công việc mới. Xin chúc mừng bạn! Sau những mừng vui lúc đầu, bây giờ là lúc chúng ta cần hòa nhập với môi trường mới. Sẽ có rất nhiều điều bạn cần phải quan tâm và học hỏi. Bạn sẽ gặp gỡ những đồng nghiệp mới, một văn hóa công ty khác với môi trường cũ và một loạt các trách nhiệm mới. Để có thể nhanh chóng hòa nhập và thành công khi bắt đầu một công việc mới, chúng ta hãy cùng xem những gì nên làm để vượt qua các mốc quan trọng đầu tiên của mình.
Tuần đầu tiên khi bắt đầu công việc mới
Tuần đầu tiên cực kỳ quan trọng khi bắt đầu một công việc mới. Bạn cần có sự cân bằng khi tạo ấn tượng với các đồng nghiệp nhưng cũng không nên đặt quá nhiều áp lực lên bản thân . Mục đích của thời gian này là để tìm hiểu về nơi làm việc mới của bạn và cảm nhận vị trí của bạn trong trong môi trường mới. Dưới đây là những gì bạn cần làm:
1. Giới thiệu bản thân và làm quen đồng nghiệp mới
Nếu bạn cảm thấy lo lắng trong ngày đầu tiên hay thậm chí là tuần đầu tiên thì cũng không có gì ngạc nhiên cả. Ai cũng vậy thôi và đó là cảm giác tự nhiên. Khi bạn là người mới, bạn không nhất thiết phải thu hút sự chú ý quá nhiều của mọi người nhưng cũng nên để nhiệt tình của mình được tỏa sáng. Vì vậy, hãy tìm thời điểm phù hợp và giới thiệu nhanh chóng, đầy năng lượng về mình về mình cho những người đồng nghiệp mới.
Hãy tranh thủ gặp gỡ những người bạn mới. Trong các cuộc họp, bạn có thể đề nghị người tổ chức cho bạn một khoảng thời gian ở phần đầu hoặc phần cuối để giới thiệu bản thân. Dưới đây là một mẹo nhỏ giúp việc giới thiệu của bạn hiệu quả hơn:
- Chuẩn bị trước những gì bạn định nói, những lời thoại mở đầu khi gặp một gương mặt mới.
- Chú ý đến môi trường xung quanh bạn và những người khác khi giới thiệu về mình. Đừng làm gián đoạn cuộc họp để giới thiệu bản thân hoặc nói quá to trong không gian chung. Khi bạn đang giới thiệu bản thân, hãy lưu ý xem phản ứng của người kia. Nếu họ có vẻ bị phân tâm, hãy ngắn gọn. Nếu họ có vẻ tập trung vào những gì bạn nói và thân thiện, hãy tìm hiểu thêm về người này. Ngược lại, hãy tạo ấn tượng ban đầu bằng cách khiến người khác cảm thấy được lắng nghe.
- Cố gắng nhớ tên các đồng nghiệp mới, đặc biết team đông. Bạn có thể làm điều này bằng cách nói lại tên của người đó với họ và viết ra ghi chú nhanh về họ khi bạn chia tay. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng khi phải nhớ tên của mọi người. Nếu bạn quên tên ai đó, trung thực là cách tốt nhất: “Tôi xin lỗi, bạn có thể nhắc tôi về tên của bạn? ”. Không ai trách bạn về câu hỏi này cả.
2. Đặt câu hỏi đúng lúc
Khi đặt nhiều câu hỏi với các đồng nghiệp, cấp trên, bạn sẽ có được nhiều thông tin và hòa nhập tốt hơn khi bắt đầu công việc mới. Nhưng trong tuần đầu tiên mới vài, bạn nên tìm thời điểm thích hợp để đặt câu hỏi. Dưới đây là một số chú ý về cách thức và thời điểm hỏi:
- Liệt kê ra những gì bạn muốn biết. Nếu biết cụ thể mình cần gì bạn sẽ có thể hỏi tốt hơn và ít lãng phí thời gian hơn.
- Nên xếp thứ tự ưu tiên thông tin bạn cần. Ví dụ: những thông tin về máy tính, những ứng dụng, quy trình làm việc… là những thứ bạn cần phải biết. Những thứ khac như KPI của nhóm, bạn có thể để sau.
- Sử dụng các cách thức khác nhau để hỏi như qua email hay gặp trực tiếp. Nếu bạn có nhiều câu hỏi cho một người hoặc một nhóm, hãy cân nhắc sắp xếp một cuộc họp thay vì dừng lại bên bàn làm việc. Trong thư mời họp, bạn có thể liệt kê các câu hỏi mà bạn muốn hỏi. Điều này giúp họ có thời gian để chuẩn bị phản hồi.
3. Tìm kiếm một người bạn
Khi bạn đã giới thiệu xong và biết mình sẽ làm việc cùng với ai, hãy rủ một hoặc vài đồng nghiệp mới đi ăn trưa hoặc uống cà phê. Đó có thể là người ngồi cạnh bạn hoặc một người vào công ty cùng thời điểm với bạn. Phát triển một mối quan hệ đáng tin cậy sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn khi bắt đầu công việc mới. Các mối quan hệ tại nơi làm việc có thể giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn.
Trong tuần đầu tiên này, bạn có thể không tìm được người bạn tốt nhất của mình hoặc phát triển mối quan hệ sâu sắc với bất kỳ đồng nghiệp nào vì còn quá mới mẻ. Nhưng tìm kiếm một người mà bạn có thể liên hệ ngay cả trong thời gian ngắn hạn sẽ mang lại sự ổn định cần thiết.
4. Tìm hiểu về văn phòng và môi trường xung quanh bạn
Xác định vị trí các phòng vệ sinh, nơi lấy cà phê và nước, cầu thang và thang máy, nơi bạn có thể ăn trưa và nghỉ giải lao, đồng thời tìm hiểu bất kỳ tiện nghi nào khác mà nơi làm việc này cung cấp. Nếu thấy khó khăn, hãy nhờ đồng nghiệp hướng dẫn.
Trong tuần đầu tiên này, bạn cũng có thể muốn thử nghiệm lộ trình đi làm của mình: tìm thời điểm thích hợp để rời khỏi nhà và thử nghiệm các tuyến đường hoặc phương tiện di chuyển khác nhau có thể giúp bạn tránh những rắc rối trên đường như kẹt xe.
Tháng đầu tiên của công việc mới
Sau những ngày đầu làm quen thú vị , đã đến lúc bạn phải hòa nhập với vai trò của mình. Mục tiêu trong tháng đầu tiên này là tìm hiểu cách bạn có thể áp dụng các kỹ năng của mình cho những thách thức và cơ hội ở nơi làm việc mới. Dưới đây là những gì bạn nên làm:
1. Tìm hiểu nhiều hơn về phòng ban của bạn
Điều quan trọng là phải tiếp tục tạo các kết nối mới và tạo điều kiện cho người khác biết nhiều hơn về bạn. Điều này không khó, chỉ cầnbạn và chăm chú quan sát cách mọi người làm việc và cộng tác, bạn sẽ có được những hiểu biết giá trị về công ty và văn hóa của đội mình làm việc cùng.
2. Tổ chức và thiết lập các thói quen mới
Một khởi đầu mới và là cơ hội tốt để loại bỏ những thói quen cũ. Hãy dành những tuần đầu tiên để sắp xếp lịch và danh sách việc cần làm, cách bạn sẽ quản lý thời gian và các kỹ năng hoặc phương pháp bạn muốn phát triển.
3. Xác định mục tiêu công việc với người quản lý của bạn
Trong vài tuần đầu tiên, bạn và người quản lý của bạn nên dành thời gian để làm rõ những mục tiêu của cả hai. Điều này bao gồm việc cách bạn sẽ làm việc cùng nhau, cách bạn sẽ nhận được các nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt công việc của mình, và hiệu quả công việc của bạn sẽ được đánh giá như thế nào. Dưới đây là một số nguyên tắc cho những cuộc trò chuyện này:
- Hãy chuẩn bị và sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Khi bạn đang tìm kiếm hướng dẫn hoặc thông tin, bạn nên chủ động thúc đẩy các cuộc trò chuyện mà bạn muốn.
- Đặt mình vào vị trí của người quản lý của bạn. Nếu bạn thấy rằng kỳ vọng của mình không phù hợp, hãy cố gắng nhìn nhận điều đó từ quan điểm của họ và tìm ra các điểm chung.
- Khi bạn hiểu được mục tiêu của người quản lý và phòng ban của mình, hãy ưu tiên hỗ trợ mục tiêu của họ.
Một điều không thể thiếu trong những ngày đầu tiên này: Hãy khiêm tốn và cởi mở. Cho dù bạn có xuất sắc thế nào, khiêm tốn là điều cần thiết. Chúng ta đang không thể đi một mình trong một tập thể. Hãy dành thời gian để cảm ơn những người đang chỉ bảo bạn, đừng coi thường công việc bạn chưa làm và hãy lắng nghe nhiều hơn những gì bạn nói. Bạn chưa trải qua đủ lâu trong môi trường mới thì dù bạn có bao nhiêu kinh nghiệm đi chăng nữa, hãy luôn cởi mở và khiêm tốn.
90 ngày đầu tiên của một công việc mới
Bạn trải qua một tháng đầu tiên kể từ ngày bắt đầu công việc mới, giờ hãy nghĩ xa hơn. Mục tiêu trong các tháng đầu tiên là làm chủ vai trò mới của bạn. Trong khoảng thời gian này, bạn nên chuẩn bị để làm tốt nhất công việc của mình. Hãy xem bạn nên làm gì:
1. Thử thách bản thân
Khi tìm một công việc mới, bạn đã tự đăt ra cho mình những thử thách mới. Hãy đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho bản thân, hướng tới những mục tiêu đó bằng các kế hoạch cụ thể. Không phải lúc nào bạn cũng có thể đạt được các mục tiêu mà bạn đặt ra cho mình, nhưng không có mục tiêu rõ ràng sẽ khiến bạn không thể phát triển được trong môi trường nào
2. Đặt ranh giới
Bạn đã trải qua tháng đầu tiên của công việc mới với sự cởi mở và tận tâm. Có thể bạn đến sớm, ở lại muộn, nhận để giúp đỡ người khác. Đây là những hành động rất tốt để làm quen và hòa nhập
Tuy nhiên, khi đã bắt đầu làm quen với công việc mơi, bạn nên bắt đầu thiết lập lại các ranh giới cho phép bạn làm tốt nhất công việc của mình. Trong khi bạn nên tiếp tục là một người hết mình vì đội của bạn, bạn cũng cần học cách nói “không” để có thể tập trung vào mục tiêu của mình và quản lý thời gian hiệu quả.
3. Đánh giá hành trình ba tháng
Ở một số công ty, một cuộc đánh giá về ba tháng đầu tiên đối với nhân viên mới là điều bắt buộc. Ngay cả khi công ty mới của bạn không quy trình có đánh giá chính thức này, bạn có thể tự đánh giá lại mình và có thể yêu cầu người quản lý của mình ngồi cùng để đánh giá những gì bạn đã làm.
Đây là một cách đơn giản để kiểm tra và xem bạn đang ở đâu trong môi trường mới. Trong đánh giá của mình, bạn có thể cung cấp cập nhật trạng thái về các mục tiêu mà bạn có thể đã đặt ra trong tháng đầu tiên của mình. Bạn cũng có thể nhìn về phía trước: người quản lý của bạn mong đợi bạn đạt được những cột mốc nào trong ba tháng tới? Sáu tháng tới? Năm sau?
4. Kết nối lại với đồng nghiệp cũ
Một khi bạn đã bắt đầu ổn định với công việc mới của mình, hãy cập nhật cho đồng nghiệp cũ tình hình của bạn và tìm hiểu những gì đang xảy ra với họ. Đây là cách để duy trì các mối quan hệ của bạn. Các mối quan hệ chỉ nên thêm chứ không nên bớt đi.
Và cuối cùng
90 ngày đầu tiên trong một môi trường mới là thử thách nhưng không quá khó khăn để vượt qua. Điều quan trọng là bản phải tin tưởng vào bản thân và đó là chìa khóa để thành công khi bắt đầu một công việc mới. Bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự thất vọng và có thể mắc sai lầm khi bạn đang điều chỉnh cho phù hợp. Đừng quá lo lắng về những gì bạn chưa làm tốt trong thời gian ba tháng này. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc bạn đã đi được bao xa và những kế hoạch sắp tới.