Nghỉ thai sản là một trong những đãi ngộ đặc biệt dành cho các nhân viên nữ. Bên cạnh việc tuân thủ Luật Lao Động ở nước sở tại, các công ty còn mang đến nhiều phúc lợi đa dạng và hấp dẫn hơn nhằm thu hút, giữ chân nhân viên quay lại làm việc sau kỳ sinh nở.
Điển hình như Apple, vài ngày trước đây “ông trùm” công nghệ này đã ban hành chính sách đãi ngộ hậu thai sản mới, như là một quyền lợi ưu ái dành cho nhân viên của mình – những người vừa trải qua giai đoạn đầu tiên của quá trình làm cha mẹ, nhằm giúp họ có thể hòa nhập nhanh chóng khi trở lại văn phòng làm việc.
Trước đây, Apple cung cấp ít nhất 16 tuần nghỉ có lương cho những nhân viên này, tương đương với các chính sách nghỉ phép mà các công ty công nghệ khác cũng đang thực hiện. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với những ông bố, bà mẹ bỉm sữa này, đặc biệt là nhân viên nữ, về những thách thức mà họ đang phải đối mặt, Giám đốc điều hành của Apple – Deirdre O’Brien chia sẻ rằng cô cảm thấy công ty cần phải làm gì đó để giúp nhân viên tái hòa nhập với công việc sau thời gian dài vắng mặt.
“Nhiều lần chúng tôi thấy những nhân viên sau kỳ nghỉ thai sản, họ đều hào hứng trở lại công ty làm việc. Đồng thời, họ cũng cần phải chắc chắn mọi thứ ở nhà thực sự ổn định và thành công. Chính suy nghĩ này đè nặng lên tâm trí họ.” – O’Brien.
Đó cũng là lý do tại sao Apple giới thiệu đãi ngộ đặc biệt này. Nó cho phép những ông bố bà mẹ bỉm sữa có thể gia hạn thêm một khoảng thời gian 4 tuần sau nghỉ phép. Vậy, chúng có ý nghĩa là gì?
Trong 4 tuần gia hạn này, họ sẽ tiếp tục được trả lương như nhân viên toàn thời gian. Nhưng, giờ làm việc sẽ linh hoạt như nhân viên part-time, hoặc thiết lập khung thời gian làm việc riêng với sự giám sát của quản lý.
Đặc biệt hơn, chính sách này được áp dụng đối với tất cả vị phụ huynh mới, bao gồm những người nhận nuôi hoặc nhận con nuôi (Mặc dù đối với trường hợp cha mẹ không trải qua kỳ sinh nở, thời gian nghỉ có lương là 6 tuần). Những lợi ích này cũng được áp dụng cho những nhân viên bán lẻ của Apple, bộ phận chiếm hơn một nửa số nhân viên của công ty.
Apple cũng mở rộng thời gian nghỉ phép cho cha mẹ nuôi sau 4 tuần cùng với tăng mức hỗ trợ tài chính lên gấp 3 lần cho những gia đình nhận nuôi. Quá trình nhận nuôi sẽ tiêu tốn một số tiền khá lớn hàng trăm nghìn USD. Và mức chi phí hỗ trợ hiện tại của Apple đã lên đến con số 14000 USD.
Cha mẹ nuôi cũng sẽ có thêm 4 tuần nghỉ phép có lương được hỗ trợ bởi Pad Family Care, một trong những đãi ngộ chăm sóc sức khỏe được cung cấp bởi Apple. “Tuy nhiên, sẽ có thêm nhiều sự quản lý và phức tạp hơn đối với những gia đình này”, O’Brien chia sẻ thêm.
Ngoài những thay đổi nêu trên, Apple cũng thông báo họ đang xây dựng thêm các phúc lợi về sức khỏe tinh thần, tăng gấp đôi số buổi tư vấn hàng năm và cung cấp các lựa chọn y tế từ xa giúp người lao động tìm kiếm linh hoạt hơn.
Apple không phải là công ty đầu tiên triển khai chương trình quay trở lại làm việc. Như Pinterest và Salesforce, cả 2 công ty đều có chính sách tương tự nhau (mặc dù về sau, họ chỉ trợ cấp 4 ngày làm việc/tuần). Tuy nhiên, sự thật là cho đến hôm nay vẫn có nhiều lao động nữ cảm thấy khó khăn khi quay trở lại làm việc. Họ thậm chí phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử bởi vì mang thai hoặc ở vai trò mới là phụ huynh.
“Tôi nghĩ rất nhiều nhân viên ở vai trò phụ huynh cảm thấy họ cần phải giải quyết điều đó trong thầm lặng”. O’Brien bày tỏ sự chia sẻ về những phức tạp của cuộc sống. Và cô ấy đang nỗ lực hết mức có thể để nhân viên cảm nhận rõ ràng rằng “chúng tôi đang giúp đỡ họ trên chuyến hành trình đó”.
Tham khảo: fastcompany.com