Mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên của bạn là gì? Có phải là mở điện thoại ra và kiểm tra qua các email? Và mỗi tối trước khi ngủ, có phải cũng là điện thoại và email và kiểm tra các việc qua Zalo, Viber hay WhatsApp? Bạn có dành phần lớn thời gian cuối tuần của mình để lo lắng về những gì phải làm vào sáng thứ Hai không? Nếu tất cả câu trả lời đều là Có, có lẽ bạn đã mất cân bằng trong công việc của bạn và cuộc sống rồi đấy. Và bạn cần phải thay đổi để có cuộc sống cân bằng hơn.
Một khảo sát gần đây cho thấy có đến 79% người Anh cho biết đã bị căng thẳng ở nơi làm việc. Một con số không hề nhỏ. Chưa có cuộc khảo sát nào tương tự ở Việt Nam nhưng có lẽ số người bị căng thẳng trong công việc cũng không ít. Bài viết này mang đến cho bạn một số cách để bạn có thể tìm lại sự cân bằng. .
1. Tối thiểu việc sử dụng điện thoại
Nếu bạn cài một ứng dụng kiểm tra việc sử dụng điện thoại của mình như Stay Focused, bạn sẽ thấy thời gian của bạn cùng với chiếc điện thoại là rất nhiều. Mọi thứ bạn làm trong ngày đều xoay quanh chiếc phone và nó khiến cho bạn cảm thấy mất phương hướng là mình đang làm gì. Vậy bạn nên làm gì để bớt phụ thuộc vào điện thoại?
Tắt điện thoại? Không thể. Vậy việc có thể làm là hãy tắt thông báo của những ứng dụng không cần thiết. Trong các ứng dụng tin nhắn như viber, hãy để chế độ im lặng cho những nhóm hay liên lạc không quan trọng. Hãy để điện thoại xa bạn khi ở nhà, nhất là khi vào bữa ăn gia đình. Bạn cũng có thể cái một ứng dụng quản lý thời gian ví dụ Stay Focused như đã nói ở trên và chỉ cho phép mở các ứng dụng mạng xã hội, tin tức trong khoảng thời gian nhất định, ví dụ 30p mỗi ngày với số lần mở không quá 5. Nó sẽ giúp bạn bớt phụ thuộc vào chiếc điện thoại của mình.

2. Hãy chia sẻ
Luôn có khó khăn bủa vây bạn hàng ngày. Dù bạn là một nhân viên, một nhà quản lý, một doanh nhân.., ai cũng có những lúc phải làm việc quá sức, nhất là những lúc công việc không theo như bạn mong muốn. Nó khiến bạn kiệt sức, lo lắng và trầm cảm, hiệu suất công việc giảm rõ rệt. Bạn hầu như không còn biết sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là gì.
Việc bạn có thể làm làm là tìm đến những người khác để được hỗ trợ. Đó có thể là đồng nghiệp, cấp trên của bạn, hay thậm chí là bạn bè. Họ có thể là người giúp bạn tìm ra giải pháp, cũng có thể là liều thuốc tinh thần giúp bạn vượt qua những lúc khó khăn.

3. Giữ gìn và rèn luyện sức khỏe
Nhiều người bỏ luôn cả buổi trưa, hay không ăn gì vào buổi sáng khi công việc quá nhiều. Đừng làm vậy, nghe bỏ ăn vài buổi thì không sao nhưng nó sẽ là một tiền lệ nguy hiểm, kéo theo nhiều hệ lụy không lường trước đối với sức khỏe.
Rất nhiều trong số chúng ta cảm thấy áp lực rất lớn khi phải phải hoàn thành công việc hoặc chứng tỏ bản thân bằng cách làm việc lâu hơn và chăm chỉ hơn, ngồi trên bàn làm việc cả ngày và không rời khỏi cả cái ghế của mình suốt cả buổi. Đó là một thói quen rất tệ và là nguyên nhân gây nhiều chứng bệnh về xương khớp, tim mạch và nhiều chứng bệnh khác. Hãy nhớ rằng nếu bạn không giữ gìn sức khỏe của chính bạn, cả thể chất và tinh thần, thì công việc có thành công cũng không là gì cả.
Hãy cách xa bàn làm việc của bạn mỗi khoảng thời gian, ví dụ 1 tiếng 1 lần. Dành thời gian để ăn trưa trong yên bình. Đi bộ một chút nếu văn phòng bạn có chỗ để làm điều đó, tập vài động tác thể dục… sẽ làm nên điều kỳ diệu cho sức khỏe của bạn.
Bạn cũng nên tập thói quen rèn luyện sức khỏe mỗi ngày như những bài tập thể dục buổi sáng, tập yoga, tập thiền hay đơn giản là xỏ giày chạy bộ ít nhất 3 ngày mỗi tuần. Dù bận cách mấy cũng có thể sắp xếp được cho các buổi tập khi bạn đã tạo cho mình một thói quen.

4. Hãy viết
Nghe có vẻ lạ nhưng nó là một giải pháp rất hay để giảm căng thẳng. Cho dù bạn chỉ viết nguệch ngoạc những suy nghĩ của mình trong cuốn sổ tay, trên mảnh giấy nháp hay thậm chí trong ghi chú trên điện thoại của bạn với một ứng dụng ghi chú nào đó ví dụ như Evernote. Bạn nên tạo thói quen ghi ghi lại mọi thứ, những ý tưởng bất chợt. Nó làm cho bạn tạm xa những gì bạn đang làm nhưng cũng không bị sa đà vào những ứng dụng không cần thiết như nhắn tin hay mạng xã hội.

5. Tìm một thú vui
Bạn cần phải giải tỏa tâm trí của mình, nhất là khi đang căng thẳng về công việc. Đó có thể là một thói quen chạy bộ vừa thoát ra khỏi công việc vừa rèn luyện sức khỏe, cũng có thể là theo dõi một đội bóng yêu thích, tập chơi một nhạc cụ.. Nó không mất quá nhiều thời gian của bạn nhưng lại giúp bạn thoát ly ra khỏi tình trạnh hiện tại, thay đổi thái độ và cả tâm trạng của bạn.

6. Đọc sách, nghe podcast
Một cách tốt nhất để quên đi những căn thẳng và truyền cảm hứng cho bản thân là đọc sách. Rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ mất thói quen đọc sách dù thời đi học có thể đọc bất cứ cuốn nào mình có. Hãy quay lại với điều đó. Bạn có thể đọc bất cứ thể loại sách nào bạn muốn, vấn đề là tạo thói quen. Mỗi khi bạn thấy chán nản, hãy cầm cuốn sách thay vì điện thoại. Tất nhiên là không thể cầm sách khi bạn đang ngồi làm việc trong công ty nhưng cũng có một giải pháp khác: sách nói. Có rất nhiều ứng dụng để nghe sách nói như Fonos, Voice FM mà bạn có thể dễ dàng trên Google Play hay Apple Store với rất nhiều đầu sách tiếng Việt.
Ngoài sách thì lắng nghe podcast cũng là một cách hay. Có mọi chủ đề bạn có thể nghe, từ các cuộc trò chuyện về sức khỏe, lối sống, phim ảnh, kỹ thuật.. Những thứ này sẽ không làm cho bạn xao nhãng công việc nhưng chúng sẽ khiến một ngày trở nên thú vị hơn. Bạn có thể học được điều gì đó mới qua podcast và nó cũng sẽ giúp bạn cảm thấy bớt căng thẳng hơn trong cuộc sống. Hãy thử tìm ứng dụng TED và tìm những chủ đề mà bạn yêu thích

7. Xem lại những mối quan hệ
Trong cuốn “Đừng bao giờ đi ăn một mình” của tác giả Keith Ferrazzi, bạn được khuyên là nên xây dựng các mối quan hệ. Xây dựng mạng lưới cá nhân là điều kiện tiên quyết để thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là các mối quan đó là lành mạnh, là những kết nối cho sư nghiệp của bạn chứ không phải là những mối quan hệ tiêu tốn nhiều năng lượng và vô bổ. Hãy xem xét nếu một mối quan hệ chỉ gặp nhau trên bàn nhậu với những câu chuyện vô thưởng vô phạt hết tuần này sang tháng khác, thì bạn nên tìm cách giảm hay trách đi để có năng lượng cho những việc tích cực hơn.

8. Giảm thiểu thời gian lên mạng xã hội
Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ có một câu nổi tiếng ‘So sánh là kẻ trộm của niềm vui’. Câu nói đó vẫn có thể áp dụng cho ngày hôm nay, đặc biệt khi mà cuộc sống của bạn một phần nào đó là trên mạng xã hội. Bạn có thể thấy đồng nghiệp bạn bè mình thật thành công với những bài đăng trên Facebook. Họ được thăng tiến, đi du lịch khắp nơi, ở những nơi sang trọng, có con đi du học, có xe mới.. Tất cả những thứ đó không giúp gì cho bạn và đôi lúc còn khiến bạn cảm thấy mình kém cỏi và căng thẳng thêm. Không ai biết được câu chuyện thật sự phía sau là gì và bạn không nên mất nhiều thời gian vào cuộc sống ảo như thế.

Kết luận
Trên đây là 8 cách có thể giúp bạn giảm căng thẳng trong công việc, lấy lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn có thể áp dụng hết tất cả các cách, hoặc chọn những cách nào phù hợp nhất với mình. Có những thói quen khó bỏ như lên mạng xã hội, sử dụng điện thoại, nhưng cũng có những thói quen bạn phải tập như đọc sách, tập thể dụng… Thành công hay không tất cả là ở bạn
Nếu bạn có những cách nào hay để giúp mọi người lấy lại sự cân bằng, hãy để lại bình luận bên dưới.