Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì? chắc hẳn bạn đã nghe câu hỏi này khi đi phỏng vấn tìm việc. Câu trả lời của bạn lúc đó là gì? Và nếu bây giờ được hỏi bạn sẽ trả lời thế nào? Nếu bạn là người chuẩn bị tham gia một buổi phỏng vấn sắp tới, bạn đã chuẩn bị gì cho câu hỏi này? Bài viết này mang đến cho bạn một số hướng dẫn, giúp bạn có câu trả lời tốt nhất, không chỉ để tìm việc mà còn lập một mục tiêu khả thi cho nghề nghiệp của mình.
Trong tiếng Anh, chúng ta có Career Objectives và Career Goals. Cả hai đều được dịch là Mục tiêu nghề nghiệp. Tuy nhiên về bản chất chúng khác nhau.
Career goals là những kết quả quan trọng mà người ta cố gắng đạt được, thường được mong đợi trong dài hạn, trong khi career objectives là những thành tựu trung gian, ít quan trọng hơn. Thường được nghĩ về chức danh, quyền hạn hoặc lương thưởng, các career goals cũng có thể bao gồm các khái niệm như sự hài lòng trong công việc. Career objectives thường là những kỹ năng và khả năng cần có được trong quá trình hoàn thành career goals.
Trong bài viết này chúng ta đề cập đến career goal, và Mục tiêu nghề nghiệp được hiểu như vậy.
1/Mục tiêu nghề nghiệp là gì?
Như trên đã đề cập, mục tiêu nghề nghiệp những thành quả, vị trí, tình huống liên quan đến cuộc sống nghề nghiệp của bạn mà bạn đã đặt tâm trí để đạt được.
Mục tiêu nghề nghiệp có thể là được thăng chức, lấy được một chứng chỉ nghề nghiệp nào đó, hoặc có thể dài hạn hơn, như mở một công ty và điều hành thành công, hoặc trở thành một Giám đốc tài chính tại công ty mơ ước nào đó của bạn.
Bất kể đó là gì, chúng đều là những mục tiêu thúc đẩy bạn tiến lên trong sự nghiệp của mình.
2/Tại sao mục tiêu nghề nghiệp lại quan trọng
Trước hết, chưa nói đến việc phải trả lời các câu hỏi trong phỏng vấn xin việc, có một mục tiêu nghề nghiệp luôn có lợi cho bạn. Có một mục tiêu nghề nghiệp sẽ giúp bạn tập trung và giúp bạn không bị mắc kẹt vào một chu kỳ mà ngày nào cũng giống nhau và bạn quên mất mình đang làm việc để làm gì. Nó cung cấp cho bạn một mục tiêu để nhắm đến, các bước để theo dõi, tiến trình để thực hiện.
Đối với các buổi phỏng vấn xin việc, thường các nhà tuyển dụng luôn có câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Lý do họ luôn muốn biết hai điều về bạn:
- Bạn dự định làm việc cho họ trong bao lâu
- Động lực nào khiến bạn làm việc
Tất cả những người phỏng vấn đều muốn biết lý do tại sao bạn muốn chọn công ty họ, và họ sẽ hỏi thẳng bạn về điều đó. Tuy nhiên, về mục tiêu nghề nghiệp của bạn sẽ cho họ biết thêm những thông tin mà khi hỏi “Tại sao bạn muốn làm việc cho chúng tôi?” họ có thể không nhận được câu trả lời rõ ràng.
Mục tiêu nghề nghiệp của bạn sẽ cho nhà tuyển dụng biết bạn sẽ là loại nhân viên nào, dài hạn hay ngắn hạn. Đây có phải là vị trí mà bạn sẽ ở lại trong một thời gian dài và phát triển nghề nghiệp, hay đây là một điểm dừng tạm thời cho đến khi có cơ hội tốt hơn?
Có một mục tiêu nghề nghiệp cũng có nghĩa là bạn không ứng tuyển vào một vị trí chỉ vì bạn thấy mẫu quảng cáo việc làm quá hấp dẫn, hoặc bạn đang thất nghiệp, và nộp đơn cho bất cứ vị trí nào và không quan tâm đến một mục tiêu nào cụ thể.
Nếu bạn có một mục tiêu mà bạn muốn đạt được, điều đó có nghĩa là cuộc phỏng vấn này không xảy ra tình cờ và vị trí công việc này thực sự phù hợp với nguyện vọng của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể sẽ tận tâm hơn với công việc, làm việc chăm chỉ hơn và có một thái độ chuyên nghiệp.
Nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi “Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm nữa?” thay cho câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp là gì . Trong cả hai trường hợp, những người phỏng vấn đang cố gắng đi đến cùng một điểm: mục tiêu tương lai của bạn.
3/ 4 mục tiêu nghề nghiệp phổ biến nhất
Ngoài hai loại chính, dài hạn và ngắn hạn, mục tiêu nghề nghiệp cũng có thể được sắp xếp thành các loại tùy thuộc vào trọng tâm của chúng. Có 4 loại phổ biến nhất:
Các mục tiêu về sự thăng tiến nghề nghiệp
Những mục tiêu này đều nhằm mục đích cải thiện hiệu suất công việc của bạn, mang lại hiệu quả hơn. Điều đó có nghĩa là nó giúp bạn làm tốt hơn và nhanh hơn những gì bạn đang làm .
Ví dụ ngắn hạn: Tăng doanh số bán hàng tháng lên x%
Ví dụ dài hạn: Làm đối tác cấp cao tại một công ty hàng tiêu dùng hàng đầu.
Các mục tiêu về sự thăng tiến của lãnh đạo
Khi nói đến lãnh đạo, có rất nhiều cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp. Những mục tiêu này đều nhằm mục đích nâng cao kỹ năng quản lý của bạn và hướng đến các vị trí có nhiều trách nhiệm hơn.
Ví dụ ngắn hạn: Làm việc theo cách của tôi lên đến vị trí quản lý tại phòng ban này.
Ví dụ dài hạn: Làm giám đốc bán hàng tại công ty X.
Các mục tiêu về giáo dục, kỹ năng
Cho dù bạn vừa tốt nghiệp hay bạn là một người đã đi làm nhiều năm, luôn có nhiều điều để học hỏi. Những mục tiêu này là giúp bạn luôn cập nhật những kiến thức mới trong lĩnh vực của mình hoặc là học hỏi điều gì đó mới và khác biệt.
Ví dụ ngắn hạn: Học một ngôn ngữ lập trình mới.
Ví dụ dài hạn: Hoàn thành chương trình MBA.
Các mục tiêu về phát triển cá nhân
Những mục tiêu này đặt trọng tâm vào việc cải thiện bản thân và các kỹ năng như kết nối hoặc làm việc theo nhóm. Đạt được những mục tiêu này sẽ có tác động tích cực đến cuộc sống nghề nghiệp của bạn, nhưng chúng cũng cho thấy rằng bạn không chỉ biết đến công việc.
Ví dụ ngắn hạn: Trở nên chủ động hơn trong công ty của bạn.
Ví dụ dài hạn: Cải thiện kỹ năng làm việc nhóm của bạn.
4/ Cách trả lời – “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?”
Thực sự không có công thức để trả lời câu hỏi này trong các buổi phỏng vấn. Tuy nhiên, có một số mẹo để đảm bảo câu trả lời của bạn đạt được tất cả các điểm phù hợp.
Câu trả lời liên quan đến công ty.
Giả sử một trong những mục tiêu của bạn lúc này là đạt được chứng nhận từ một khóa học trực tuyến về tiếp thị nội dung. Đó là một mục tiêu rất hay, nhưng nếu bạn đang ứng tuyển vào vị trí quản lý bán hàng, chứng chỉ này sẽ không giúp bạn nhiều trong buổi phỏng vấn.
Vì vậy, điều này có nghĩa là, câu trả lời của bạn cho câu hỏi phỏng vấn này phải liên quan đến vị trí / công ty bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ về câu trả lời phù hợp:
Mục tiêu của tôi luôn là trở thành một Kế toán thanh toán. Trong vòng năm nay, tôi sẽ hoàn thành các bài học và tích lũy kinh nghiệm để tham gia thi CPA, bài kiểm tra mà tôi rất quyết tâm vượt qua.
Ví dụ câu trả lời không phù hợp:
Tôi là một kế toán, và tôi nghĩ thật tuyệt nếu tôi có được những kinh nghiệm về content marketing. Tôi nghĩ rằng thật tuyệt khi một kế toán tham gia vào một lĩnh vực khác như marketing.
Bắt đầu với những mục tiêu ngắn hạn.
Các mục tiêu ngắn hạn là các bước để bạn tiến đến các mục tiêu dài hạn. Chúng cũng cụ thể và rõ ràng hơn.
Khi đưa ra câu trả lời, bạn có thể bắt đầu nói về những mục tiêu ngắn hạn, sau đó chuyển sang những mục tiêu dài hạn. Câu trả lời của bạn nghe có vẻ hợp lý hơn nhiều và kế hoạch của bạn đã được suy nghĩ kỹ càng.
Ví dụ câu trả lời phù hợp:
Tôi muốn tìm hiểu một số tác giả tài năng trong những năm tới. Việc phát hành một cuốn sách bán chạy nhất sẽ giúp tôi khẳng định tên tuổi của mình với tư cách là một biên tập viên trong ngành xuất bản và giúp tôi dần dần xây dựng được một lượng khách hàng lớn là các nhà văn.
Ví dụ câu trả lời không phù hợp:
Mục tiêu của tôi là trở thành biên tập viên của một số nhà văn lớn. Tôi có thể sẽ mang đến một bộ truyện bán chạy nhất như Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh trong vài năm nữa.
Có kế hoạch hành động
Đặt ra một danh sách các mục tiêu không tạo ra một câu trả lời thuyết phục. Thay vào đó, hãy tập trung vào một hoặc hai mục tiêu chính và giải thích ngắn gọn cách bạn dự định đạt được chúng hoặc cách chúng sẽ mang lại lợi ích cho sự nghiệp của bạn trong dài hạn. Điều này cho thấy rằng bạn đã suy nghĩ thấu đáo những mục tiêu này và rõ ràng về những gì bạn muốn trong tương lai.
Ví dụ: nếu mục tiêu ngắn hạn của bạn là học một ngôn ngữ lập trình mới, hãy giải thích cách bạn sẽ đạt được điều đó (lấy chứng chỉ hoặc tự học) và cách cải thiện hiệu suất công việc của bạn (nó có cho phép bạn làm việc trên nhiều dự án hơn không? có lợi ích gì cho công việc của công ty bạn?).
Điều quan trọng là câu trả lời của bạn hướng vào nhà tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng hỏi về mục tiêu nghề nghiệp của bạn, nhưng suy cho cùng, họ quan tâm đến lợi ích tốt nhất cho công ty của họ. Vì vậy, khi nói về mục tiêu của bạn, hãy đảm bảo thể hiện cách đạt được chúng cũng sẽ có lợi cho nhà tuyển dụng tiềm năng của bạn. Thuyết phục họ rằng đó sẽ là một tình huống đôi bên cùng có lợi.
Ví dụ về câu trả lời phù hợp:
Tôi đang cố gắng tìm thời điểm thích hợp trong năm nay để đăng ký một khóa học về SAP FICO (Financial Accounting & Controlling). Nó sẽ giúp tôi với tư cách là một nhà phân tích tài chính cung cấp các báo cáo chính xác hơn, cũng như giúp công ty lập kế hoạch và giám sát chi phí tốt hơn.
Ví dụ câu trả lời không phù hợp:
Tôi đang muốn cải thiện chất lượng các báo cáo và phân tích của mình. Tôi cần thực hiện thêm một số nghiên cứu về cách chính xác tôi có thể làm điều đó, nhưng hiện tại, đó là mục tiêu của tôi.
Chuẩn bị và thực hành.
Cho dù bạn đã vạch ra kế hoạch tương lai rõ ràng đến mức nào, điều quan trọng vẫn là bạn phải chuẩn bị trước để trả lời cho câu hỏi này. Hãy suy nghĩ về một số mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, và dành thời gian để thực hành câu trả lời của bạn.
5/ 3 câu trả lời mẫu cho câu hỏi “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì”
Nếu những thông tin trên vẫn khiến bạn bối rối, thì đây là 3 ví dụ về câu trả lời minh họa cách biến lý thuyết thành thực hành.
Câu trả lời dành cho Sinh viên, Thực tập sinh
“Tôi sẽ tốt nghiệp vào năm sau và tôi rất muốn bắt đầu làm việc ngay trong bộ phận tiếp thị của một công ty giống như công ty của anh/chị. Ngoài việc mở rộng kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, tôi cũng hy vọng sẽ cải thiện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trước đám đông của mình. Tôi thực sự muốn trở thành một thành viên chủ động và có giá trị trong nhóm ”.
Mục tiêu ngắn hạn: Làm việc trong lĩnh vực marketing sau khi tốt nghiệp.
Mục tiêu dài hạn: Trở thành một thành viên chủ động và gắn bó trong nhóm.
Kế hoạch hành động: Tích lũy thêm kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực tiếp thị, đồng thời cải thiện kỹ năng giao tiếp và thuyết trình trước đám đông.
Câu trả lời dành cho người chuyên nghiệp
“Tôi biết rằng việc biết Python trong bối cảnh tài chính ngày càng trở nên hữu ích hơn, vì vậy tôi dự định học nó trong năm nay. Nó sẽ có ích khi giải quyết các vấn đề tối ưu hóa danh mục đầu tư. Về mục tiêu dài hạn, tôi muốn trở thành giáo sư bán thời gian tại trường đại học Y. Tôi đã có một số bài giảng ở đó và mọi người thực sự thích nó. Giờ giấc linh hoạt cũng rất có lợi vì chúng cũng cho phép tôi tiếp tục một công việc khác ”.
Mục tiêu ngắn hạn và kế hoạch hành động: Học Python trong bối cảnh tài chính.
Mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động: Trở thành giáo sư bán thời gian tại trường đại học Y.
Câu trả lời dành cho cấp quản lý
“Hiện tại, tôi đang cố gắng cải thiện kỹ năng lãnh đạo của mình để có thể quản lý các nhóm thiết kế trò phần mềm hơn. Cho đến nay, tôi mới chỉ có kinh nghiệm với tư cách là nhà thiết kế chính, nhưng tôi hy vọng sau một vài năm và thêm một số kinh nghiệm nữa, tôi sẽ có thể quản lý toàn bộ dự án ”.
Mục tiêu ngắn hạn: Quản lý các nhóm thiết kế phần mềm lớn hơn. Mục tiêu dài hạn: Trở thành giám đốc dự án.
Kế hoạch hành động: Cải thiện kỹ năng lãnh đạo và tích lũy thêm kinh nghiệm khi là trưởng nhóm thiết kế phần mềm.
6/ 4 sai lầm phổ biến cần tránh khi trả lời câu hỏi “Mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì”
Sau khi đề cập đến những việc nên làm, chúng ta hãy bắt đầu những việc KHÔNG nên làm.
Dưới đây là 4 trong số những sai lầm phổ biến nhất mà mọi người mắc phải khi trả lời “mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì?”
“Tôi không có mục tiêu”
Không có nhiều điều để giải thích về vấn đề này, chỉ cần nhớ là đừng bao giờ có câu trả lời như vậy.
Đề cập về lương
Tiền là động lực thúc đẩy bạn. Và nó là động lực cho hầu hết mọi người. Bạn biết điều đó, tất cả chúng ta biết điều đó, người phỏng vấn biết điều đó NHƯNG đó không phải là điều họ muốn nghe và đó không phải là điều bạn nên nói.
Ví dụ: nếu bạn đang làm việc trong ngành tiếp thị và bạn muốn đạt được mức lương tháng là 30 triệu đồng. Bạn nên xem xét những vị trí nào trong ngành của bạn tạo ra loại thu nhập đó và thay vào đó hãy đặt chúng làm mục tiêu của bạn.
Vì vậy, tại cuộc phỏng vấn, thay vì nói “Mục tiêu của tôi là có mức lương 30 triệu tiền lương vào năm tôi 30 tuổi”, hãy nói với “Mục tiêu của tôi là trở thành giám đốc tiếp thị nội dung vào năm tôi 30 tuổi”.
Đặt mục tiêu không thực tế
Điều này không có nghĩa là bạn không nên mơ lớn. Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ đến các các ngôi sao.
Tuy nhiên, khẳng định rằng trong 5 năm nữa bạn sẽ là Giám đốc điều hành của công ty nơi bạn đang ứng tuyển, khi bạn vừa tốt nghiệp một tháng trước là điều đó không phù hợp lắm, đặc biệt là với người phỏng vấn. Bạn sẽ tỏ ra kiêu ngạo và điều đó chắc chắn sẽ không thể đưa bạn đến bước tiếp theo.
Đưa ra những thông tin chi tiết không phù hợp
Chẳng hạn, nếu mục tiêu của bạn là trở thành người đứng đầu bộ phận tiếp thị cho công ty mơ ước của bạn và đó không phải là vị trí hoặc công ty bạn đang ứng tuyển, thì tốt nhất là bạn không nên đề cập đến điều đó.
Làm như vậy sẽ cho người phỏng vấn biết rằng bạn đang để mắt đến một công ty khác và vị trí này là tạm thời đối với bạn. Thay vào đó, bạn chỉ có thể nói rằng mục tiêu của bạn là trở thành trưởng bộ phận tiếp thị. Không có thêm chi tiết về ai, ở đâu, cái gì.
7/ Bài học rút ra
Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn “mục tiêu nghề nghiệp của bạn là gì”, bạn cần nhớ:
- Có sự liên quan đến công ty: Nếu mục tiêu của bạn phù hợp với nhu cầu của công ty, hoặc thậm chí tốt hơn, công ty được hưởng lợi từ những mục tiêu đó, bạn sẽ có lợi thế với tư cách là một ứng viên.
- Giải thích bạn làm như thế nào: Đưa ra một số bước mà bạn dự định làm theo để đạt được mục tiêu của mình. Điều đó sẽ cho thấy rằng họ có suy nghĩ và lập kế hoạch tốt.
- Tránh nói chuyện tiền bạc. Thay vì nói về tiề bạc, hãy chuyển mức lương thành một vị trí thực tế. Điều đó phù hợp hơn với người phỏng vấn.
Hãy nhớ, trả lời cho câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp tưởng đơn giản nhưng có thể bạn đánh mất cơ hội quý giá của mình.
Chúc bạn thành công và hãy để lại ý kiến của bạn về chủ đề ngay bên dưới bài viết nhé.
Tham khảo:
https://novoresume.com/career-blog/career-goals
https://www.indeed.com/career-advice/career-development/objective-vs-goal
Photo by Estée Janssens on Unsplash