Chỉ mới 6 tuần trước, WeWork còn được ca tụng là start-up công nghệ tỷ đô, có giá trị vốn hóa cao nhất nước Mỹ và cũng là một trong những niềm tự hào của giới khởi nghiệp cùng thung lũng Silicon.
Rất nhanh chóng, WeWork đã trở thành “chú kỳ lân gãy sừng” khi ngay trước thềm IPO. Khoảng cách từ “lên voi xuống chó” của start-up này phải miêu tả bằng cụm từ “quá nhanh quá nguy hiểm”. Nhờ cú ngã ngựa này, những góc khuất trong văn hóa doanh nghiệp của WeWork mới có dịp được lôi ra ánh sáng.
Sự kỳ dị xuất phát từ người đứng đầu
Nhắc đến văn hóa của Wework, cũng phải nói qua một chút về người thủ lĩnh của doanh nghiệp này, bởi suy cho cùng, chính họ mới là người định hướng và ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa của công ty đó. Adam Neumann đến nay chỉ tầm 40 tuổi, sở hữu vẻ ngoài phong trần, có hơi chút lãng tử với mái tóc xoăn đánh rối, luôn xuất hiện cùng áo phông, quần jeans, trông giống như một thành viên nhạc Rock chính hiệu hơn là một “ông trùm” bất động sản.
Từng là một quân nhân Hải Quân Israel, Neumann đã thành công khi tạo nên cho mình một bức tranh về doanh nhân nghiêm túc và đòi hỏi cao trong công việc. Còn với mô hình kinh doanh Co-working của mình, anh ta ví nó như một mô hình làng cộng đồng Kibbutz rất nổi tiếng của Israel dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác.

Tại WeWork, Neumann nêu cao khẩu hiệu bình đẳng, truyền cảm hứng về một môi trường làm việc thực sự lý tưởng sau cánh cửa văn phòng. Nơi không có sự phân biệt tôn giáo, giới tính; nơi thách thức và rèn giũa của các tài năng trẻ; sự tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau và hơn hết là sự kết hợp giữa công việc căng thẳng với những bữa tiệc rượu sôi nổi, hoang dại với khoản lương được trả hậu hĩnh đã “phỉnh” lòng của rất nhiều Millennials.
Họ đua nhau vào WeWork và rồi chưng hửng với cơn ác mộng mang tên văn hóa WeWork, bước ra không được mà ở cũng không xong.
Trước khi những điều này xảy đến, tại sao WeWork lại là điểm đến của nhiều người trẻ?
Công bằng mà nói, Neumann hơn người ở tài ăn nói, mỗi lý tưởng mà anh ta vẽ ra đều như tác động đến từng tế bào phấn khích của thế hệ trẻ. Họ hăng hái cày cuốc ở công ty không chỉ với mong muốn góp chút công sức của mình vào một tương lai tươi đẹp trước mắt mà còn là sự tự hào khi là một mắt xích trong bộ máy vận hành tỷ đô này.
Dù sự thật là làm việc cho WeWork không hề dễ thở, nếu không muốn nói là vất vả nhất trong số những công việc họ từng làm trong đời. WeWork phát triển một cách thần tốc, mua lại hàng loạt start-up trong quá trình hoạt động, mở thêm nhiều địa điểm mới, đưa ra hàng loạt sáng kiến không có điểm dừng mỗi ngày,…khiến mỗi một nhân viên phải chạy đua với thời gian.
Thời gian làm việc một ngày của nhân viên WeWork có thể lên đến 12 tiếng, khối lượng nhiệm vụ cứ thế tăng lên mà không có bất kỳ lời phàn nàn nào đưa ra nếu không muốn bị “bay” nhanh tháng lương như gió mùa thu. Chính vì vậy, các nhân viên tại đây thường đùa rằng “nếu bạn ở WeWork 1 năm thì nó giống như 10 năm tại bất kỳ công ty nào ngoài kia”.
Vén màn văn hóa địa ngục tại WeWork, ngập tràn tiệc tùng, rượu, cần sa và sex
“Ở WeWork có một quy tắc bất thành văn là bất cứ văn phòng nào khi tiếp đón nhà sáng lập Adam Neumann cũng phải chuẩn bị sẵn rượu Tequila cao cấp và bật nhạc với âm lượng cực lớn như ở các bữa tiệc xa xỉ”. Người lãnh đạo cũng thường đi chân trần và sẵn sàng nhảy lên bàn để thể hiện cơn phấn khích hoặc sự giận dữ.

Những bữa tiệc sẽ rất thú vị nếu như người tham dự có chung tâm trạng vui vẻ và phấn khởi, còn không đối với họ đó cũng như một màn tra tấn tinh thần mà chẳng biết bao giờ chúng mới được kết thúc. Một nhân viên của WeWork cho biết: “Adam Neumann rất mê rượu Tequila hiệu Don Julio với giá 140 USD, nhưng anh ta sẽ nhanh chóng nổi cáu nếu mọi người không sắp xếp cốc kịp thời để anh ta rót rượu”.
Hay một cựu nhân viên khác của WeWork nhắc lại kỷ niệm về yêu cầu của Neumann: “Những vị khách thuê chỗ ngồi của WeWork có thể phàn nàn về âm thanh quá lớn. Nhưng nếu chúng tôi giảm âm lượng, Neumann và những trợ thủ của anh ta sẽ hét vào mặt chúng tôi”.
Không chỉ có những hành động quái dị thể hiện tâm trạng như hú hét, các nhân viên dưới quyền Neumann đã cáo buộc anh ta biến nơi làm việc trở thành một “ổ” chứa đầy tệ nạn, thuốc phiện và cả quấy rối tình dục.
Hình tượng văn hóa WeWork đã sụp đổ hoàn toàn với những quy định vô lý, phân biệt chủng tộc một cách man rợ như: Cấm nhân viên ăn thịt, đưa người nhà vào quản lý, sử dụng ngôn ngữ Do Thái trong các cuộc họp mà nhiều người không thể hiểu được, không cho phép nhân viên nữ tham dự quá nhiều và nêu ý kiến đóp góp trong cuộc họp, công khai quấy rối tình dục các nhân viên nữ và hút cần sa trong văn phòng.

Văn hóa công ty ở bất cứ doanh nghiệp nào cũng đóng một vai trò quan trọng như là linh hồn của doanh nghiệp đó. Chúng cổ vũ, gắn kết những con người xa lạ với nhau và cùng hướng đến mục tiêu phát triển tốt đẹp hơn. Nhưng với WeWork, sự chấm dứt có lẽ là cách giải thoát tốt nhất cho hơn 10.000 con người đang phải “chịu trận” trong vũng lầy địa ngục đó.
⏩ Ngoài ra, nếu bạn đã sẵn sàng chia sẻ về câu chuyện văn hóa ngay tại nơi mình đang làm việc, hãy tham gia cùng chúng tôi TẠI ĐÂY