Kể từ sau khi đại dịch, thế giới công sở đã có sự thay đổi. Một vài cách thức làm việc cũng đã thay đổi từ làm việc tại văn phòng, làm việc từ xa, đến làm việc kết hợp, nhưng chúng cũng không thể ngăn được làn sóng đại nghỉ việc. Từ giữa năm 2020 đến 2022, số lượng các chuyên gia rời bỏ nơi làm việc, hoặc đang sắp xếp với những nhà tuyển dụng mới về một nơi làm việc mới đã tăng cao.
Áp lực đồng trang lứa có thể thúc đẩy bạn nhảy việc và tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên, hãy dừng lại một chút và xem xét 5 lý do tại sao bạn nên ở lại công việc hiện tại dưới đây:
1. Ở lại công ty, bạn có thể có cơ hội thăng tiến
Việc ở lại công việc hiện tại không có nghĩa là bạn sẽ không thể phát triển một cách chuyên nghiệp. Khi những đồng nghiệp rời khỏi công ty, sẽ có vài vị trí còn trống và cơ hội được thăng chức của bạn cũng lớn hơn. Với ít đồng nghiệp để cạnh tranh, bạn sẽ có nhiều cơ hội được đề cử hơn vào vai trò cấp cao của tổ chức, nhanh hơn nhiều so với những gì bạn có thể nỗ lực ở bên ngoài. Bạn có thể nhận được mức lương tốt hơn và nhiều trách nhiệm mà lại chịu ít rủi ro nếu nhảy việc ở một công ty mới.
Thêm vào đó, các công ty vẫn ưu tiên tuyển dụng nội bộ hơn là tìm kiếm những tài năng bên ngoài cho các vị trí chuyên gia, đặc biệt là trong giai đoạn công ty có sự không ổn định. Việc ở lại trong giai đoạn này chứng tỏ với các nhà lãnh đạo của mình rằng bạn là nhân viên bền vững và đáng tin cậy, giúp cho việc thăng tiến của bạn trong tổ chức có khả thi hơn nhiều so với trước đây.
2. Bạn có thể chuyển sang một team mới hoặc một dự án mới
Nếu bạn vừa không muốn nghỉ công việc hiện tại vừa muốn thăng tiến trong sự nghiệp, bạn có thể nhân cơ hội này xin chuyển qua một team mới hoặc một dự án mới. Với điều kiện công ty hiện đang có vài ghế trống và họ buộc phải sắp xếp lại nhân sự, sẽ là một thời điểm lý tưởng để đề nghị thuyên chuyển công tác.
Đây là thời gian hoàn hảo để tạo ra một sự thay đổi nghề nghiệp trong nội bộ, khi đó các nhà quản lý của bạn sẽ rất cảm kích vì bạn đã ở lại cạnh họ. Điều này cũng có nghĩa họ hầu như sẽ chấp thuận yêu cầu chuyển đổi phòng ban hoặc để bạn đảm nhận một dự án cao cấp hơn. Các sếp thậm chí có thể đánh giá cao những sáng kiến của bạn và bạn có thể được cất nhắc tăng lương kèm thêm nhiều phúc lợi hơn.
3. Bạn có thể đảm nhận những nhiệm vụ mới
Ở lại công việc hiện tại không nhất thiết là bạn sẽ mắc kẹt trong những công việc lặp đi lặp lại vốn nhàm chán trước đây. Với quy mô nhân sự nhỏ hơn, sếp của bạn thường sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của bạn với các nhóm khác và các dự án khác trong tương lai. Bạn nên chớp lấy thời cơ này để đảm nhận những công việc cao cấp hơn nếu muốn thăng tiến. Điều này mang lại cho bạn cơ hội học được những kỹ năng mới, hợp tác với những đồng nghiệp mới và khiến bản thân trở nên giá trị hơn trong nội bộ nói riêng và trên thị trường việc làm nói chung.
Nếu bạn tạo ra một tác động lớn hơn trong công việc và góp nhặt cho mình được nhiều kỹ năng mới có giá trị, vị thế của bạn sẽ trở nên rất quan trọng đối với tổ chức. Vì thế sẽ dễ dàng hơn để bạn đạt được sự thăng tiến, thậm chí là khi bạn yêu cầu được tăng lương và tăng các đãi ngộ. Thậm chí, chúng cũng nâng cao resume của bạn nếu bạn quyết định sẽ nhảy việc trong tương lai.
4. Những đồng nghiệp mà bạn không ưa thích đã nghỉ việc
Theo khảo sát về các lý do nhảy việc, nhiều người tham gia đã thẳng thắn nêu rõ đồng nghiệp khó chịu là lý do chính khiến họ nhận ra môi trường làm việc hiện tại đang quá độc hại, khiến họ chọn tháo chạy khỏi văn phòng. Tuy nhiên không phải lúc nào lý do ra đi này cũng bị cho là tồi tệ và cảm tính. Khi những đồng nghiệp tồi của bạn đã hiện diện ở nơi khác, bạn ở lại công ty có thể bắt đầu tận hưởng công việc của mình nhiều hơn và có nhiều khoảnh khắc tốt đẹp hơn.
Mất đi những đồng nghiệp hay đối đầu, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi chia sẻ ý kiến và được lắng nghe trong các cuộc họp. Bạn cũng vui vẻ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội ở công ty, khiến bạn hiểu rõ hơn về những đồng nghiệp tốt ở lại. Khi bạn làm việc trong một môi trường lành mạnh, bạn sẽ hoàn thành công việc tốt hơn và người quản lý cũng sẽ đánh giá bạn cao hơn.
5. Ý kiến của bạn trở nên quan trọng hơn
Khi bạn đang làm việc ở một team nhỏ hơn, ý kiến của bạn tự nhiên trở nên có trọng lượng hơn. Không chỉ dễ dàng được lắng nghe mà khi bạn có nhiều ý tưởng hoặc những đề xuất mới, cấp trên cũng sẽ dễ dàng chấp thuận sáng kiến của bạn.
Ngoài ra, bạn có thể tận dụng lòng trung thành của mình khi đề xuất những thay đổi hữu ích đối với môi trường làm việc. Nếu sếp của bạn cũng lo lắng bạn sắp nghỉ việc, nhiều khả năng họ sẽ lắng nghe ý kiến của bạn để giữ chân bạn ở lại công ty.
Vì vậy nếu bạn đang “ngứa ngáy tay chân” muốn tham gia ngay vào làn sóng đại nghỉ việc, hãy chậm lại một chút, cẩn thận suy xét liệu bạn có đang bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời mà những đồng nghiệp cũ vô tình tạo ra hay không. Việc nhận offer ở một công ty mới chưa chắc đã tốt hơn so với lựa chọn ở lại. Điều quan trọng là bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận và nỗ lực để đạt được những thỏa thuận tốt nhất cho mình. Bạn có quyền nghiên cứu và đánh giá tất cả những lựa chọn đang có với nhà tuyển dụng hiện tại, đặc biệt là khi họ đã đối xử với bạn tốt trong những năm qua.