Ngày 03/12/2019 vừa qua, thị trường bán lẻ vừa chứng kiến một cuộc sáp nhập nghìn tỷ giữa Vincommerce (sở hữu hai thương hiệu Vinmart và Vinmart+) và Masan Consumer. Sẽ chẳng có gì đáng chú ý nếu đây không phải là cuộc “hôn nhân” giữa hai tập đoàn “sừng sỏ” nhất tại Việt Nam.
Và nhân vật đáng chú ý trong chuyên mục Blog của Haymora tuần này, Vinmart chính là tiêu điểm. Chúng ta không bàn đến những “mưu sâu kế lược” của cuộc sáp nhập. Hãy cùng Haymora tìm hiểu những thông tin thú vị về hành trình phát triển của công ty này nhé!
Vinmart – Xuất phát điểm từ vạch đích
Ra đời vào năm 2014, công ty CP Siêu Thị Vinmart được biết đến là một công ty thành viên thuộc tập đoàn Vingroup – tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Doanh nghiệp này bao gồm 2 hệ thống: Chuỗi siêu thị Vinmart và chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart+.
Có thể nói, Vinmart vẫn còn là một cái tên còn mới mẻ trong thị trường bán lẻ Việt Nam khi chỉ có tuổi đời hoạt động 5 năm. Tuy nhiên, sự vững mạnh về tiềm lực tài chính của tập đoàn mẹ đã nhanh chóng đưa Vinmart đứng ngang hàng với nhiều “ông trùm” bán lẻ khác như Masan, Big C, lotte,…
Nhìn vào những con số về tốc độ phát triển, bạn sẽ phải thốt lên kinh ngạc! Vinmart trong từng ấy thời gian đã có gần 2.600 cửa hàng và siêu thị tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chuỗi cung ứng hàng hóa được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ 4.0 trong mô hình vận hành. Đặc biệt hơn, công ty này còn sở hữu một kỷ lục vượt bậc chưa từng có ở bất kỳ một tập đoàn bán lẻ nào tại Việt Nam: Đồng loạt khai trương 117 cửa hàng trong một ngày.
Hoạt động cung cấp hàng hóa của Vinmart nằm trong chuỗi hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup mà chúng ta – những người tiêu dùng vẫn đang nói vui với nhau rằng: Ăn thực phẩm sạch từ VinEco – Mua sắm ở Vinmart, Vincom – Đi xe VinFast – Ở nhà Vinhomes – Học tập ở VinSchool – Chăm sóc sức khỏe ở Vinmec….
Chính sự cung ứng từ gốc đã khiến Vinmart có thể giữ cân bằng trong câu chuyện nguồn cung và chất lượng. Thêm vào đó, chiến lược len lỏi khắp các khu dân cư đã giúp Vinmart được nhận diện rộng rãi. Theo thống kê của Vietnam Report năm 2017, Vinmart đã nằm trong Top 2 nhà bán lẻ được người tiêu dùng nghĩ đến nhiều nhất và đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng 10 nhà bán lẻ uy tín.
Mặt tối trong bức tranh bán lẻ của Vinmart
Cuộc chia ly của những tập đoàn đa phần đến từ lý do kinh doanh thua lỗ. Vinmart cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Đằng sau cuộc chiến giành thị phần, Vinmart cũng đang phải gồng mình cho khoản lỗ “khủng” lên đến 3.460 tỷ đồng sau 5 năm tồn tại.
Chi phí đầu tư quá lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài, kém hiệu quả, trong khi đó tập đoàn Vingroup còn phải chịu ảnh hưởng từ sự khó khăn của thị trường bất động sản. Cũng theo đó, chính sự chuyển hướng trọng tâm đầu tư vào sản xuất công nghiệp với những dự án lớn về sản xuất ô tô, điện thoại thông minh đã khiến Vingroup buông tay 2 “đứa con” Vinmart và Vinmart+.
Nỗi sợ biến động nhân sự và nghệ thuật lãnh đạo thu phục lòng người của Vingroup
Vinmart hoán đổi vị trí, trở thành cổ đông và giao quyền kiểm soát hoạt động cho Masan. Sự kiện “thay đổi chủ” dù ít hay nhiều cũng gây ảnh hưởng tâm lý đến các cấp nhân viên đang làm việc tại đó.
Tuy nhiên, lãnh đạo tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng gửi tâm thư cùng những khẳng định về chính sách nhân sự cũng như mức đãi ngộ cho nhân viên. Tâm thư nhấn mạnh: “Cán bộ nhân viên sẽ được tiếp tục kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.”

Xem chính sách nhân sự và văn hóa con người của Vinmart TẠI ĐÂY!
Còn nhiều những chính sách nhân sự cũng như triết lý về lãnh đạo của Vingroup khiến chúng ta phải ngả mũ thán phục. Bạn có mong muốn được làm việc ở một trong những tập đoàn có lãnh đạo tâm huyết như thế này? Hoặc bạn có đang làm việc tại một trong những công ty thành viên của Vingroup? Hãy tham gia chia sẻ những review của mình về môi trường làm việc, văn hóa con người tại đây trên website haymora.com. Đó sẽ là nguồn thông tin quý giá cho cộng đồng tìm việc.